Theo ghi nhận của Wikinhanh, các đơn vị kinh doanh du lịch Hạ Long sẽ dùng đồ bằng giấy, thủy tinh, vật liệu sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân hủy. Đây là động thái tích cực góp phần làm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đối với cảnh quan và môi trường vịnh Hạ Long, giúp môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý vịnh Hạ Long, lượng rác thải nhựa trên vịnh hiện nay khá lớn.
“Hàng ngày, trung bình vịnh Hạ Long đón 12 nghìn lượt khách tham quan, kèm theo đó là khoảng 12 nghìn chai nhựa hoặc ống hút. Nếu chỉ khoảng 10% lượng khách này mua hàng thì sẽ có hơn 1 nghìn người sử dụng các loại túi bóng khác nhau. Các chai, cốc, ống hút nhựa, túi nilon sẽ tạo ra khối lượng rác thải nhựa khổng lồ cho vịnh Hạ Long”, ông Huynh nói.
Xem thêm: Quay trộm du khách tắm, đơn vị du thuyền Hạ Long bị cấm hoạt động
Với việc nói không với túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến cáo du khách hạn chế sử dụng chai nhựa, túi nilon khi tham quan trên vịnh. Sau ngày 1/9, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát thực hiện việc ngừng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần ở các điểm kinh doanh, dịch vụ trên vịnh Hạ Long.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm chống rác thải nhựa. Trước đó tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, tổ chức ở Hà Nội ngày 9-6, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, phong trào chống rác thải nhựa phải làm bền bỉ, thường xuyên mới hiệu quả. “Sắp tới, 63 tỉnh thành cùng triển khai quyết liệt. Khi chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở địa phương vào cuộc mạnh mẽ, người dân địa phương ủng hộ, thay đổi hành vi, từ bỏ thói quen dùng túi nilông, khi đó chất thải nhựa mới giảm bớt” – ông Hà nói.
Ông Hà cũng khẳng định phong trào chống rác thải nhựa không chỉ tổ chức cao trào xong lại chùng xuống, mà phải làm đến khi đạt được mục tiêu như Thủ tướng nêu: phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, rất cần tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilông, đồng thời xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Ngoài giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức để thay đổi thói quen, ông Hà cho rằng giải pháp về quản lý bằng các chính sách kinh tế, chính sách thuế trong hạn chế những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần cũng rất quan trọng.
“Tôi cho rằng cần có tiếp những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường. Đồng thời cần có những chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích hỗ trợ người dân bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường để từng người, từng nhà bỏ thói quen dùng túi nilông” – ông Hà nói
Tham khảo thêm: Vì sao không nên gấp chăn gối khi trả phòng khách sạn?
Comment here