Du lịch

Du lịch Ninh Bình cùng khát vọng xứng danh điểm đến ấn tượng

Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt, vào tháng 6/2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, ngành du lịch Ninh Bình đã tạo nên một “cú hích” mới trong việc tạo cơ hội việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nỗ lực quảng bá và bảo tồn di sản

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Hoàng Thanh Phong, trong những điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình, vào tháng 6/2014, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. 

Sau 5 năm công nhận, Quần thể danh thắng Tràng An đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến, trở thành điểm đến ấn tượng, thân thiện của du khách. Năm 2018, lượng du khách đến với Tràng An đạt 6,2 triệu lượt, tăng gấp đôi so với năm 2014. 

Với những con số ấn tượng này đã cho thấy, ngành du lịch Ninh Bình góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân, để người dân “Sống trong di sản, bảo vệ di sản nhưng vẫn được hưởng lợi từ di sản” đó là những yếu tố rất nhân văn ngành du lịch mang tới.

Để có thành tựu như ngày nay, ngay từ khi được UNESCO công nhận, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong khu di sản làm tốt công tác quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch một cách bền vững và có trách nhiệm. 

Cụ thể như, tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO và các quy định của tỉnh trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho người dân sinh sống trong khu di sản; giữ mối quan hệ với các cơ quan của Trung tâm Di sản thế giới, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban UNESCO Việt Nam để trao đổi thông tin về công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Cũng theo ông Phong, việc xây dựng quy hoạch bảo tồn khu di sản, tập trung quy hoạch, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái ở vùng đệm của di sản; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch…  đã được Ninh Bình tập trung triển khai hàng đầu. 

Mặt khác, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình còn chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, diễn giải di sản dựa trên các giá trị nổi bật toàn cầu di sản đã được công nhận; phân tích và xác định rõ các thị trường tiềm năng trong nước và quốc tế để thực hiện chiến lược quảng bá riêng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thuyết phục người dân chấp hành nghiêm các quy định về quản lý và bảo tồn di sản…

Tham khảo: Cô Tô con, viên ngọc trầm bích bị quên lãng giữa biển khơi

Trao đổi với phóng viên báo Du lịch, đại diện Sở Du lịch địa phương này cho biết, hiện nay, Ninh Bình đã có 6 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng 9.145 tỷ đồng, đã giải ngân 2.708 tỷ đồng. 

Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã phát huy hiệu quả, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm, như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng… 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch đã hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống giao thông đường bộ… tạo điều kiện cho du khách đi lại thuận lợi. Đặc biệt, 36 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của các doanh nghiệp, với tổng mức đầu tư 16.212 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch có hiệu quả như: Emeralda Resort, Khách sạn Ninh Bình Legend, Hoàng Sơn Peace, The Reed, Hidden Charm, Bái Đính, Sân golf Hoàng Gia, Sân golf Tràng An… đã mở ra tương lai khởi sắc cho ngành Du lịch Ninh Bình.

Cùng với thu hút đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, Ninh Bình còn tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch thông qua việc thực hiện đề án phát triển các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp gắn với du lịch như: Làng hoa đào phai tại xã Đông Sơn – thành phố Tam Điệp; Làng hoa tại phường Ninh Sơn, xã Ninh Phúc – thành phố Ninh Bình; Làng nghề thêu Văn Lâm tại xã Ninh Hải – huyện Hoa Lư, Làng nghề cói ở huyện Kim Sơn…

Ngoài ra, theo ghi nhận của trang Wikinhanh, Ninh Bình cũng tạo điều kiện để các hộ dân ở các xã Gia Vân, Gia Hòa, huyện Gia Viễn; Sơn Hà, huyện Nho Quan; thị trấn Yên Thịnh, Yên Mạc, huyện Yên Mô liên kết với các công ty lữ hành du lịch nghiên cứu, tổ chức khai thác có hiệu quả các dịch vụ du lịch cộng đồng: Trải nghiệm di chuyển trên xe trâu, cho thuê xe máy, xe đạp, tổ chức cho khách trải nghiệm công việc nhà nông, dạy khách chế biến món ăn truyền thống… 

Sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh đã tạo ra các loại hình du lịch phong phú và đa dạng hơn, làm tăng tính hấp dẫn của du lịch Ninh Bình đối với du khách trong nước và quốc tế.

Comment here